Loading...

Tập thói quen tư duy bằng tiếng Anh

Ngọc Quỳnh, sinh năm 1990, tự học tiếng Anh khi là sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân. Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc trường Nottingham Business, Đại học Nottingham Trent, Anh năm 2017, chị học tiến sĩ tại Đại học Lancaster, Anh, theo học bổng toàn phần 89.000 bảng (2,6 tỷ đồng).

Là tác giả hai cuốn sách luyện nghe, nói, đồng sáng lập trung tâm tiếng Anh, chị Quỳnh đưa ra lời khuyên về việc rèn suy nghĩ bằng ngôn ngữ này.

Quá trình dạy tiếng Anh cho sinh viên, mình nhận ra hầu hết gặp rắc rối với việc dịch trong đầu, tức là suy nghĩ nghĩ trước bằng tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Anh khi nói hoặc viết, đặc biệt là với những người mới học.

Biểu hiện của việc này là bạn thường không bắt nhịp được với giao tiếp thực tế, cả về nghe hiểu lẫn đối đáp. Bạn có xu hướng “dừng lại” ở một vài từ khi không hiểu nghĩa hoặc không dịch được sang tiếng Việt, trong khi người nói vẫn tiếp tục cuộc hội thoại.

Điều này khiến việc nghe hiểu và phản xạ nói trong các tình huống giao tiếp thực tế bị chậm và kém hiệu quả. Qua thời gian, bạn có thể mất dần sự tự tin khi giao tiếp tiếng Anh, hoặc không còn nhiều hứng thú với việc học. Việc dịch theo kiểu “word by word” (dịch từng từ) sang tiếng Việt như vậy cần được khắc phục để bạn có thể sớm bắt nhịp với các tình huống dùng tiếng Anh và tự tin hơn.

Mình muốn chia sẻ một số cách đã áp dụng để ngừng việc dịch từng từ giữa hai ngôn ngữ và bắt đầu tư duy bằng tiếng Anh, giúp bạn dần có thể nghe hiểu nhanh và phản xạ nói tiếng Anh tốt hơn.

Tự tạo môi trường tiếng Anh

Trước hết, để có thể “bật lên” chế độ suy nghĩ bằng tiếng Anh, bạn cần tạo môi trường “sống” với ngôn ngữ này đủ nhiều. Tùy vào quỹ thời gian, bạn hãy để não bộ được tiếp xúc và tương tác với tiếng Anh nhiều nhất có thể.

Hồi năm nhất khi bắt đầu học tiếng Anh một cách thực sự, mình nghe và xem các tài liệu nước ngoài khoảng 8 tiếng mỗi ngày. Việc này giúp mình nhanh chóng tiếp thu được nhiều yếu tố của tiếng Anh cùng lúc, đồng thời giúp não bộ quen với việc suy nghĩ bằng tiếng Anh hơn là tiếng Việt. Ngoài ra, hàng ngày mình cũng kết hợp học từ vựng, ngữ pháp, phát âm rất nhiều.

Vì thế, bạn cũng không nên cho rằng chỉ cần nghe tiếng Anh nhiều là tự nhiên suy nghĩ và nói được. Bạn cần tiếp xúc với tiếng Anh nhiều nhất có thể, theo cách phù hợp và thoải mái nhất, sau đó chuyển dần các tài liệu có thể nghe, xem sang tiếng Anh.

Hoàng Ngọc Quỳnh tại Đại học Lancaster (Anh). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hoàng Ngọc Quỳnh tại Đại học Lancaster (Anh). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xây dựng thói quen nghĩ bằng tiếng Anh

Hãy tạo thói quen này khi nghĩ về những thứ nhỏ nhất và tại bất cứ đâu bằng cách miêu tả những gì xảy ra xung quanh bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt. Ví dụ, khi đang trên xe bus, bạn có thể nghĩ “I’m going to school by bus and it takes me about 30 minutes to get there” (Tôi đi học bằng xe bus và tôi mất khoảng 30 phút để tới trường), nhìn ra cửa sổ thấy một người đang đi “That man’s walking down the street and he looks very young” (Người đàn ông đó đang đi bộ trên đường phố và trông ông ta khá trẻ)…

Bằng cách này, bạn đã tự tạo thế giới chỉ dùng tiếng Anh xung quanh mình. Khi mới bắt đầu, bạn đừng quá thất vọng nếu không thể nghĩ ra từ hoặc câu hoàn chỉnh ngay lập tức. Bất cứ điều gì cũng cần có thời gian luyện tập, bạn cần kiên nhẫn và tuân thủ kế hoạch đã vạch ra.

Tập nói tiếng Anh thật to

Dù nghe và suy nghĩ bằng tiếng Anh ở trong đầu nhiều, nếu không nói ra bạn sẽ thấy việc sử dụng ngôn ngữ này khá gượng gạo. Để tối đa hóa hiệu quả của việc tiếp xúc nhiều và suy nghĩ bằng tiếng Anh trong đầu, sau đó nói ra miệng. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp việc thực hành nói đuổi (shadowing), tức là nghe tiếng Anh và nói theo.

Bạn hãy chọn những tài liệu không quá khó, vừa nghe những gì người bản ngữ nói, vừa nhìn văn bản và nói theo. Luyện tập shadowing thường xuyên giúp bạn phản xạ nói tốt hơn, luyện phát âm dễ dàng và cũng sẽ giúp bạn suy nghĩ nhiều hơn bằng tiếng Anh.

Dùng từ điển Anh-Anh

Từ điển Anh-Anh sẽ giúp bạn hiểu rõ về nghĩa của từ và cách dùng chính xác, thậm chí giúp bạn tránh các trường hợp dùng sai ngữ cảnh. Việc này còn hỗ trợ bạn đọc tiếng Anh nhiều hơn, tiếp tục suy nghĩ và tư duy bằng ngôn ngữ này, cùng lúc ôn tập và học thêm từ mới.

Khi dùng từ điển, bạn nên đọc càng nhiều ví dụ với từ đang tra càng tốt. Ví dụ, với từ “affect”, khi tra từ điển Cambridge, mình tìm được một vài ví dụ đơn giản như: Both buildings were badly affected by the fire (Cả hai tòa nhà đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đám cháy). The divorce affected every aspect of her life (Cuộc ly hôn đã ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống của cô ấy).

Sau khi đọc các ví dụ này, mình sẽ ghi chép vào cuốn sổ từ vựng, không chỉ học nghĩa mà cả cách dùng từ và đặt câu với từ đó. Để ghi nhớ sâu từ, “ngấm” được ngôn ngữ dần dần, học từ vựng qua việc ghi chép nhiều ví dụ cũng là một cách rất hay.

Nếu mới học tiếng Anh, bạn có thể tra từ điển Anh-Việt nhưng khi vốn từ đã khá hơn, bạn nên thay đổi thói quen. Một số từ điển Anh-Anh online uy tín bạn có thể sử dụng là: Oxford learner’s dictionaries, Cambridge dictionary, Collins dictionary.

Hoàng Ngọc Quỳnh

Bài cùng tác giả:

Bạn cần hỗ trợ?