Loading...

Bảy lý do học tiếng Anh không hiệu quả

1. Không đủ thời gian

“Tôi không có đủ thời gian để học tiếng Anh” là lời giải thích phổ biến cho việc học không hiệu quả. Học viên tìm đến các khóa học với cam kết sẽ học tập chăm chỉ, làm bài tập đầy đủ, nhưng cuối cùng họ giải thích rằng không có đủ thời gian học hay công việc quá bận rộn. Nhiều người không thể dành thời gian trong ngày cho việc học tiếng.

Tuy nhiên, nếu muốn nâng cao trình độ ngoại ngữ, bạn không thể viện cớ không có thời gian. Trước khi học, bạn cần xác định việc học ngoại ngữ là ưu tiên hàng đầu. Bạn có thể cắt giảm thời gian dành cho những việc không quan trọng để dành cho việc học. Ví dụ, thay vì ngồi chơi Facebook hai tiếng, bạn hãy tự học tiếng Anh. Tiếp đó, khi có thời gian rỗi như nấu cơm, lái xe, đợi tàu, bạn có thể luyện nghe tiếng Anh.

2. Học lệch

Thông thường, kỹ năng nghe và đọc dễ hơn nói và viết. Nhiều người có xu hướng xem TV, nghe nhạc, đọc sách, báo để học tiếng Anh thay vì luyện nói và viết. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến bạn không thể giỏi tiếng Anh toàn diện.

Sẽ có nhiều người giỏi nghe tiếng Anh, số khác yêu thích viết nhưng không nên vì thế mà bỏ quên những kỹ năng khác. Càng những kỹ năng yếu kém, người học càng cần dành nhiều thời gian và luyện tập chăm chỉ hơn.

3. Ngừng tập trung cho quy tắc ngữ pháp

Các quy tắc ngữ pháp chỉ là một phần, không phải là tất cả của một ngôn ngữ. Vì vậy, nếu tập trung quá nhiều cho quy tắc ngữ pháp mà bỏ quên kiến thức khác cũng giống như bạn học lệch, không thể tiến bộ toàn diện.

Trong giao tiếp, người bản ngữ thường không quá chú trọng ngữ pháp mà quan tâm đến phản xạ, độ tự nhiên. Đây là lúc bạn nên bỏ quy tắc sang một bên, thực hành nghe nói và học cách hòa mình vào các cuộc trò chuyện. Mỗi ngày, bạn nên dành ra ít nhất 15 phút cho việc luyện nói tiếng Anh. 15 phút này là thời gian quý báu để bạn trau dồi khả năng của mình.

Jack Askew Ảnh: To Fluency
Jack Askew Ảnh: To Fluency

4. Ngại thực hành

Nhiều người chia sẻ với tôi rằng ngại nói tiếng Anh vì sợ mắc sai lầm. Tôi hiểu cảm giác này vì khi học tiếng Tây Ban Nha, tôi đã “hóa đá” khi nói sai và bị mọi người chế nhạo.

Bạn hãy tự nhủ tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, hiện có rất nhiều người sử dụng nó là ngôn ngữ thứ hai. Và vì không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, việc mắc lỗi là tất yếu nhưng quan trọng là mọi người cần dùng tiếng Anh để giao tiếp và làm việc.

Để loại bỏ nỗi sợ, bạn có thể tìm một người bạn thân thiết để luyện giao tiếp. Khi trò chuyện với mọi người, thay vì nói những câu dài, dùng từ ngữ khó hoặc chưa nắm rõ, bạn có thể dùng câu đơn, từ ngữ đơn giản. Sau đó, dần dần mở rộng vốn từ của mình.

5. Đợi cơ hội

Thay vì học ngay hôm nay, nhiều người lần lữa việc học tiếng Anh như đợi du học. Nếu đợi đến khi du học mới học tiếng, bạn sẽ không thể hòa nhập vào môi trường mới. Đối với tôi, thời điểm hoàn hảo nhất để học tiếng luôn là hôm nay.

6. Thiếu nhất quán

Học tiếng Anh ban đầu thật vui khi học từ vựng còn đơn giản hay mới học phát âm từng từ nhưng khi độ khó tăng lên, người học dần mất hứng thú và muốn bỏ cuộc. Chìa khóa cho vấn đề này là luôn duy trì việc ôn tập ngay khi bạn thất vọng, buồn chán.

Bạn có thể nhớ lại lý do tại sao muốn học, nhìn về những ích lợi khi giỏi tiếng Anh hoặc tìm kiếm câu chuyện thành công của những người giỏi. Ngôn ngữ này đem lại rất nhiều “trái ngọt” cho người học và sẽ thật uổng phí nếu bạn từ bỏ nó.

7. Căng thẳng vì mục tiêu

Sau khi học tiếng Anh một thời gian, người học có xu hướng so sánh trình độ hiện tại với trình độ mơ ước và cảm thấy áp lực vì mình chưa thể đạt được điều mong muốn. Nhiều người muốn “đi đường tắt” để giỏi tiếng Anh hoặc cố ép bản thân phải bứt phá nhanh chóng. Càng đặt ra những áp lực như vậy, người học càng dễ nản lòng, chán chường.

Để giải tỏa căng thẳng, hãy lựa chọn tài liệu học phù hợp với trình độ của bạn, ngừng so sánh với người khác. Bạn nên đọc sách ngoại văn phù hợp, nói chuyện đơn giản với người bản ngữ, luôn giữ ý chí trong học tập.

Tú Anh (Theo To Fluency)

Bạn cần hỗ trợ?