Loading...

Năm cách giúp giao tiếp ngoại ngữ tốt hơn

Agnieszka Murdoch, giáo viên dạy ngoại ngữ của blog 5 Minute Language, thành thạo tiếng Anh và Pháp, có thể sử dụng tiếng Tây Ban Nha, Đức và Thụy Điển. Cô giới thiệu 5 cách để cải thiện khả năng nghe hiểu ngoại ngữ.

Mỗi khi học ngoại ngữ mới, tôi thường gặp rất nhiều khó khăn với việc nghe hiểu, kể cả khi đã có vốn từ vựng tốt và làm chủ được ngữ pháp. Trong quá trình giảng dạy, tôi nhận ra đây là vấn đề của hầu hết người bắt đầu học ngoại ngữ. Việc nghe hiểu người bản xứ là kỹ năng cần được luyện tập chuyên biệt.

1. Tìm hiểu sự liên kết giữa chữ cái và phát âm

Bước đầu tiên của việc nghe hiểu là tìm sự liên kết giữa các chữ cái trên giấy và cách phát âm. Điều này đặc biệt quan trọng trong tiếng Anh, ngôn ngữ chịu ảnh hưởng từ nhiều tiếng khác, khi mà mỗi nguyên âm, phụ âm đều có nhiều cách phát âm riêng biệt, tùy theo từng từ, từng văn cảnh.

Cách tốt nhất để có thể liên kết chữ cái và cách phát âm là nghe và đọc từ cùng lúc. Bạn có thể nghe một đoạn hội thoại trong khi đang đọc kịch bản và dừng lại sau mỗi vài từ, cụm từ, để ghi chú và so sánh sự khác biệt trong cách phát âm từng ký tự trong mỗi từ. Càng thực hiện bước này nhiều, bạn sẽ dần có khả năng bắt từ chính xác hơn, dẫn tới nghe hiểu tốt hơn.

2. Các từ nối trong giao tiếp

Các từ nối, ví dụ “à”, “ừ”, “ừm” trong tiếng Việt, hay “um”, “er”, “like”, “right” trong tiếng Anh, đóng vai trò quan trọng để giúp các bạn giao tiếp được với người bản xứ. Những từ này hoàn toàn không có ý nghĩa gì, tuy nhiên chúng được sử dụng liên tục trong giao tiếp, để bù vào những khoảng lặng, giúp người nói có nhiều thời gian suy nghĩ nội dung.

Một ví dụ tiêu biểu là từ “like” trong tiếng Anh với tư cách một từ nối. Nếu không hiểu vai trò ngữ pháp này của từ, với rất nhiều nghĩa trong tiếng Anh, bạn sẽ dễ dàng hiểu nhầm nội dung giao tiếp của người đối diện. Và khi đã hiểu cách sử dụng này rồi, bạn có thể vô thức loại những từ này ra khỏi đầu khi nghe hiểu nội dung giao tiếp với người bản xứ.

Cô Agnieszka Murdoch. Ảnh: GDS Blog
Cô Agnieszka Murdoch. Ảnh: GDS Blog.

3. Đa dạng hóa việc luyện tập nghe hiểu

Để tăng cường khả năng nghe hiểu, bạn cần tập nghe hội thoại giữa nhiều người từ nhiều nơi, giao tiếp trong những hoàn cảnh khác nhau.

Với những khóa học ngôn ngữ, bạn thường chỉ nghe nội dung được chuẩn hóa, thu âm rõ ràng bởi những người lồng tiếng chuyên nghiệp. Đây thường là những đoạn hội thoại dễ hiểu hơn rất nhiều so với hoàn cảnh giao tiếp thường nhật với người bản xứ.

Đặc biệt là khi đi ra nước ngoài, bạn sẽ cần giao tiếp với nhiều đối tượng từ nhiều tầng lớp xã hội, với khả năng giao tiếp, ngữ pháp, từ vựng khác biệt hoàn toàn. Khi đó, việc giao tiếp sẽ khó hơn bội phần so với các bài thu âm chuẩn hóa.

Bởi vậy, bạn cần chuẩn bị bằng nhiều cách. Ví dụ, bạn có thể xem tin tức bằng tiếng nước ngoài, hay xem video phỏng vấn đường phố. Bạn có thể tìm nội dung này trên mạng xã hội như Youtube và Facebook.

4. Đừng cố dịch từng từ sang tiếng mẹ đẻ

Việc dịch từng từ sang tiếng mẹ đẻ rất mất thời gian, khiến bạn không kịp theo dõi nội dung hội thoại và không hiểu nổi ý nghĩa chính của nó.

Thay vào đó, bạn có thể tập tư duy bằng ngoại ngữ (sử dụng các từ điển Anh-Anh để hiểu ý nghĩa bằng ngoại ngữ) hay học thuộc ý nghĩa của từng cụm từ. Bằng cách này, bạn có thể nghe hiểu phần lớn của cả bài hội thoại mà không mất thời gian dịch từng từ sang tiếng mẹ đẻ. Dĩ nhiên, sẽ có những từ bạn không hiểu, nhưng việc đoán nghĩa của những từ này trở nên dễ dàng hơn nhiều khi bạn đã hiểu ý nghĩa chính của cả bài.

5. Đừng ngại nhờ nói lại một lần nữa

Cuối cùng, cách tốt nhất để tăng khả năng nghe hiểu là nhờ người bản xứ nói lại một lần nữa. Việc nghe hai lần luôn khiến bạn dễ hiểu hơn. Đừng ngại làm phiền người khác vì điều này hoàn toàn bình thường. Nó giúp bạn hiểu được người nói và có thể tương tác hiệu quả hơn khi giao tiếp.

Phan Nghĩa (Theo 5 Minute Language)

Bạn cần hỗ trợ?