Loading...

Cách học ngoại ngữ khi sống ở nước ngoài

Dominic Simonelli, giáo viên tiếng Anh, có thể nói được tiếng Italy và Tây Ban Nha. Anh sinh tại Australia và tốt nghiệp ngành Media and Communications tại Italy. Từ kinh nghiệm sống tại Italy, Dominic đưa ra lời khuyên cho việc tiếp tục học ngoại ngữ trong khi sống tại nước ngoài.

Sống hoặc học tập ở nước ngoài là ước mơ của nhiều người, dù điều này không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nếu đã ở nước ngoài một thời gian và bạn vẫn thấy bị mắc kẹt trong việc nghe – hiểu, giao tiếp kém thì cần tiếp tục học ngoại ngữ theo các cách dưới đây.

1. Ghi lại từ vựng thường gặp

Bạn cần mở rộng vốn từ và học thêm nghĩa mới của các từ quen thuộc. Tôi từng đến gặp nha sĩ và mang theo giấy, bút để ghi lại các thuật ngữ bác sĩ sử dụng. Cách này cũng nên áp dụng khi bạn nói chuyện với thợ sửa điện nước, thậm chí là những người làm công việc hành chính trong bộ máy nhà nước.

Nếu cảm thấy giấy, bút là những vật dụng lạc hậu, bạn có thể dùng các ứng dụng trong điện thoại để hỗ trợ. Mỗi công việc sẽ có nhóm thuật ngữ riêng, hay được sử dụng. Càng mở rộng được vốn từ về các lĩnh vực quen thuộc của đời sống, bạn sẽ giao tiếp tự tin và nghe – hiểu tốt hơn.

2. Nói chuyện với tất cả mọi người

Không phải người bản xứ nào cũng sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ một cách thành thạo. Họ cũng có thể mắc lỗi ngữ pháp, thậm chí sử dụng sai từ ngữ. Những người không phải bản địa thường có ý thức trong việc nói chuẩn ngữ pháp hơn. Tôi từng có những cuộc trò chuyện vui vẻ với người pha chế tại quán bar, học được những câu nói dí dỏm từ người phụ nữ ở cửa hàng chăm sóc thú cưng. Ai cũng có thể giúp chúng ta luyện tập và học hỏi.

Bên cạnh đó, nếu bạn nói chuyện với một đứa trẻ, chúng sẽ chẳng phán xét nếu bạn nói sai. Điều này nghe có vẻ lạ nhưng nhà văn Emily đã tự tin hơn vào khả năng tiếng Đức sau khi cô trò chuyện với bọn trẻ tại Thụy Sĩ. Thanh thiếu niên luôn dẫn đầu xu hướng trong việc học hỏi thuật ngữ và tiếng lóng, điều này hỗ trợ bạn trong việc học nhanh tiếng địa phương.

Trong khi đó, nếu trò chuyện với người già, bạn sẽ học được những thành ngữ sâu sắc, nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu học cách dùng, bạn nên chú ý vì không phải trường hợp nào cũng có thể sử dụng những từ, cụm từ đã xuất hiện từ lâu trong đời sống. Nếu không cẩn thận, bạn có thể gây khó chịu cho người nghe.

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock

3. Thực sự lắng nghe

Nếu chỉ tiếp cận mọi người để thực hành ngôn ngữ, tập trung vào từ vựng, thành ngữ, bạn sẽ trở thành một người lợi dụng. Ngoài tập trung vào cách họ nói, bạn cần hiểu những gì họ chia sẻ. Điều này giúp kết nối bạn và mọi người ở mức độ sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, để hiểu một ngôn ngữ, bạn cần gắn chúng vào ngữ cảnh giao tiếp, tâm trạng của người nói. Bạn cần nhớ rằng khi sống ở nước ngoài, chúng ta không chỉ cần giỏi ngoại ngữ mà còn cần có bạn bè.

4. Đề nghị người khác nhận xét

Khi tôi học tiếng Anh, tôi đã nhờ mẹ, người rời Italy để đến Australia từ năm 1950, nhận xét. Mẹ tôi đã dành phần lớn cuộc đời của mình để vật lộn học cách giao tiếp bằng tiếng Anh nên cực kỳ thành thạo ngôn ngữ này.

Nếu có một người bạn có thể thoải mái yêu cầu họ đánh giá, chỉ ra lỗi khi phát âm, luyện tập ngoại ngữ, bạn nên nhờ họ giúp đỡ. Họ có thể giải thích tại sao bạn sai và chỉ cho bạn đi đúng hướng. Người bạn này có thể sống cùng bạn ở nước ngoài, là người bản xứ hoặc thậm chí là người đang sống tại quê nhà.

5. Biết tự phê bình và tranh luận đúng lúc

Để trở thành người giao tiếp tốt trong bất kỳ ngôn ngữ nào, bạn đều phải thực hành và mắc sai lầm. Sai sót của bạn có thể ở việc dùng động từ không chính xác, không nói trôi chảy, phát âm chưa chuẩn. Khi bị người khác chỉ ra lỗi sai, hãy cân nhắc khi nào nên tranh luận và khi nào nên tự biết phê bình và rút kinh nghiệm.

Bạn cũng nên thoải mái với việc mắc sai lầm vì điều này là cần thiết và đương nhiên, không nên coi nặng nề như việc bị tổn thương lòng tự trọng. Là người học ngoại ngữ, chúng ta cần tìm những gì đã sai và sửa lại cho đúng.

Thanh Hằng (Theo Fluent in 3 months)

Bạn cần hỗ trợ?