Loading...

11 điều nên làm để nâng cao kỹ năng nói tiếng Anh

Quynh Nguyen, người thích học ngoại ngữ, làm truyền thông tự do trong khi đang du lịch khắp thế giới, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao khả năng nói tiếng Anh với 11 bước trên FluentU:

1. Mở rộng vốn từ vựng

Lượm lặt những từ mới ngày này qua ngày khác là cách tốt để mở rộng vốn từ. Bạn nên đặt mục tiêu và cam kết thực hiện, chẳng hạn ba từ hay 10 từ mỗi ngày. Ngay cả khi bạn chỉ có thời gian để học một từ mới mỗi ngày, nó vẫn đáng để thử. Bằng cách học một từ mỗi ngày, sau một năm bạn sẽ học được 365 từ mới tiếng Anh.

Bạn cũng nên viết những từ đã học được ra để nhắc nhở bản thân thường xuyên. Nếu có một người đồng hành, hãy chia sẻ với họ để kiểm tra sự tiến bộ của bạn.

Một số nguồn tốt để học từ mới là báo chí, bài hát, chương trình truyền hình, tùy thuộc vào thói quen hàng ngày của bạn. Nếu thích nghe nhạc, hãy chú ý đến lời bài hát và ghi chú những từ bạn không biết. Các bài hát thường chứa nhiều từ vựng, cụm từ và cách diễn đạt hữu ích nên rất tốt cho việc học tiếng Anh.

Bạn cũng nên học từ theo cụm, nhóm. Ví dụ, khi đề cập đến đồ uống, hãy học những cụm từ như “a glass of wine (một ly rượu), “a cup of tea” (một tách trà) thay vì chỉ học những từ đơn như “wine”, “tea”.

2. Cải thiện khả năng phát âm

Bạn có thể biết rất nhiều từ, nhưng nếu không nói đúng sẽ không thể hiểu được. Điều đó có vẻ như là sự lãng phí thời gian dành cho việc ghi nhớ các từ.

Khi tra từ điển trực tuyến, hãy sử dụng biểu tượng loa nhỏ để kiểm tra cách phát âm của bất kỳ từ nào bạn không chắc chắn. Bạn cũng có thể xem thêm các bài hướng dẫn phát âm tiếng Anh trên Youtube hoặc các podcast như English Pronunciation Pod hoặc American English Pronunciation.

3. Tìm hiểu “flow” (nhịp) tự nhiên của tiếng Anh

Có thể nói từng từ một cách chính xác là rất tốt nhưng mấu chốt để nói trôi chảy nằm ở cách nói cả câu. Bất cứ khi nào đọc một đoạn thơ, nghe một bài hát du dương hoặc xem một phim hài vui nhộn, hãy chú ý những điều sau:

– Sự liên kết: Hãy chú ý cách người bản ngữ liên kết các từ với nhau: ghép hai âm, làm biến mất một âm hoặc thay đổi âm để dễ nghe hơn.

– Các dạng rút gọn của từ, ví dụ: I + am = I’m, He + will = He’ll, They + have = they’ve, do + not = don’t.

– Nhấn trọng âm: Có các âm tiết được nhấn trọng âm trong một từ và các từ được nhấn trong một câu.

– Nhịp điệu: Đây là kết quả tổng thể của các trọng âm, cách nói rút gọn và liên kết. Nó sẽ tạo ra sự trầm bổng, là nét nhạc của tiếng Anh.

Tranh minh hoạ: Learn talk.
Tranh minh hoạ: Learn talk.

4. “Shadowing”

Kỹ thuật này là bắt chước. Bạn lắng nghe cách người bản ngữ nói điều gì đó và cố gắng nói theo.

Đầu tiên, hãy chọn video yêu thích và có phụ đề. Sau đó, bạn xem video một lần, đọc phụ đề để nắm nội dung và “flow” chung. Tiếp theo, bạn hãy bắt chước từng câu trong video, bật lại từ đầu, nghe, tạm dừng, nói và có thể ghi âm lại. Nếu ghi âm lại quá trình luyện tập của mình, bạn có thể so sánh bản ghi và bản gốc. Hoặc nếu không, chỉ cần lắng nghe giọng của bạn và chỉ ra sự khác biệt hoặc giống nhau. Bạn hãy lặp lại các bước này cho đến khi hết video.

5. Tự nói

Nói to với chính mình bằng tiếng Anh cũng là cách để luyện nói. Bạn có thể tự nói bất cứ điều gì, chẳng hạn khi đưa ra một gợi ý “Shall we go get a glass of water”? (Chúng ta lấy một cốc nước nhé) hoặc lời nhắc “I need to do a load of laundry today” (Hôm nay tôi cần giặt một đống quần áo).

Ngoài ra, bạn có thể cầm một cuốn sách lên và đọc to một vài trang. Bài tập này có thể làm chậm quá trình đọc của bạn, nhưng nó sẽ nâng cao kỹ năng nói.

Bạn cũng có thể tự ghi âm, nghe lại và để ý xem có phát âm sai không. Nếu có thể, hãy nhờ người bản ngữ nghe và góp ý.

6. Suy nghĩ bằng tiếng Anh

Nếu đã nghĩ bằng tiếng Anh, bạn sẽ mất ít thời gian hơn trong các cuộc trò chuyện hàng ngày bởi không cần dịch. Một cách tốt để bắt đầu suy nghĩ bằng tiếng Anh là viết nhật ký. Nên nhớ, nó không nhất thiết phải hoàn hảo.

7. Kể lại câu chuyện bằng tiếng Anh

Hãy thử thách một bước xa hơn bằng cách kể câu chuyện. Bạn nên chọn các từ khác nhau để kể lại câu chuyện đơn giản bằng tiếng Anh. Bạn cũng có thể bắt đầu từ những điều cơ bản như kể lại chuyện cổ tích, ngụ ngôn vừa đọc.

8. Tham gia các sự kiện diễn thuyết trước đám đông

Các đại học lớn, nhà hát, hiệp hội văn hóa tổ chức sự kiện như tranh luận mở, hay đơn giản là tụ tập kể chuyện ngẫu hứng. Đây là những nơi bạn có thể đến và hòa nhập với những người cùng chí hướng, luyện nói tiếng Anh.

Nhiều thành phố hiện tổ chức TED, TEDx Talks. Bạn có thể đăng ký tham gia và chia sẻ những ý tưởng mới của mình. Nó có thể là một trải nghiệm căng thẳng nhưng sẽ rất tốt cho kỹ năng nói tiếng Anh.

9. Đến quán cà phê ngôn ngữ

Nếu việc nói trước công chúng khiến bạn sợ hãi, hãy chọn các quán cà phê ngôn ngữ, nơi bầu không khí thân thiện và thư giãn cho những người muốn thực hành và trao đổi ngôn ngữ.

10. Sử dụng ứng dụng

Một lựa chọn khác là sử dụng ứng dụng để nói chuyện trực tuyến với người bản ngữ trong sự thoải mái tại nhà riêng của bạn. Một số ứng dụng phổ biến là HelloTalk và Tandem. Về cơ bản, bạn chỉ cần đăng ký một tài khoản, giới thiệu bản thân, ngôn ngữ mẹ đẻ và sở thích. Ứng dụng sẽ tìm lọc và đưa ra một số kết quả phù hợp là những người nói tiếng Anh và muốn thực hành ngôn ngữ. Những gì bạn cần làm là nhấn một vài nút và bắt đầu nói chuyện.

11. Trò chuyện với Siri

Tôi thấy trò chuyện với Siri (trợ lý ảo trên các thiết bị thông minh của Apple) là cách tuyệt vời để buộc bản thân nói rõ ràng hơn. Vì Siri là máy, bạn không thể dựa vào bối cảnh xung quanh và ngôn ngữ hình thể, khuôn mặt để truyền đạt ý tưởng. Lời nói là công cụ duy nhất nên bạn cần nói rõ ràng, chính xác nhất có thể.

Một điểm cộng khác của việc sử dụng Siri là luôn sẵn sàng, miễn là điện thoại còn pin và kết nối với wifi. Chỉ cần nhấn nút và bắt đầu đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, Siri chỉ có các thiết bị của Apple. Nếu sở hữu một điện thoại thông minh Android, bạn có thể luyện nói với Google Now.

Dương Tâm (theo FluentU)

Bạn cần hỗ trợ?