Liệu làm biên dịch viên tự do có khác gì so với việc làm biên dịch cố định tại một văn phòng, công ty dịch thuật? Đối với những biên dịch viên tự do bước chân ướt chân ráo vào nghề, đâu sẽ là những điều cần lưu ý để bản thân chúng ta không bị ngợp trước một môi trường làm việc mới? Hãy cùng Apollo giải đáp những câu hỏi trên trong bài viết ngày hôm nay nhé!
Mục lục
Biên dịch là gì?
Biên dịch là một trong hai loại hình cơ bản thuộc ngành dịch thuật và được định nghĩa không quá khác so với định nghĩa của dịch thuật. Biên dịch là quá trình chuyển đổi linh hoạt giữa các ngôn ngữ khác nhau thông qua hình thức viết. Người làm biên dịch được gọi là biên dịch viên. Đối tượng mà biên dịch hướng tới chủ yếu là văn bản, file tài liệu, video, phim ảnh,…. và trong biên dịch cũng gồm các ngách nhỏ khác: biên dịch công nghiệp, biên dịch xuất bản và biên dịch video.
Tham khảo: Dịch thuật và phân biệt các loại hình của dịch thuật
Công việc cơ bản mà 1 biên dịch viên cần làm?
Công việc chủ yếu mà một biên dịch viên cần làm đó là xử lý các văn bản, tài liệu theo yêu cầu của khách hàng. Cụ thể: phần việc sẽ thường là dịch từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích( ngôn ngữ mà khách hàng yêu cầu), rà soát lại bản dịch, hiệu đính tài lài liệu, kiểm định chất lượng của bản dịch,… Không chỉ vậy, biên dịch viên sẽ cần sắp xếp thời gian, mật độ công việc sao cho đảm bảo chất lượng cũng như đáp ứng được deadline theo kế hoạch, tự trau dồi kiến thức của bản thân,…
Nghe qua thì biên dịch có vẻ là một công việc đơn giản và có phần nhàm chán. Tuy nhiên, khi đứng dưới góc độ của biên dịch viên, ta sẽ thấy được đây là một công việc không hề dễ dàng và cũng vô cùng áp lực. Được đánh giá là một trong những ngành nghề có mức lương hấp dẫn, biên dịch cũng đòi hỏi vô cùng cao đối với người làm trong nghề.
Xem thêm: 7 yếu tố cơ bản và cần thiết để theo đuổi ngành dịch thuật
Biên dịch viên tự do “newbie” cần lưu ý những gì khi mới bước vào nghề?
Newbie có thể hiểu đơn giản là lính mới, là từ để chỉ những người mới bước vào nghề. Vậy thì đâu là những điều mà biên dịch viên tự do newbie chưa có nhiều kinh nghiệm khi đặt chân vào một vùng đất mới là ngành biên dịch cần lưu ý, các bạn có thể tham khảo những điều dưới đây:
Sắp xếp thời gian phù hợp giữa công việc và cuộc sống
Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hay còn gọi là Work-Life balance là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc sống mỗi người.
Công việc nào cũng vậy, nhất là đối với những người lựa chọn con đường trở thành “freelancer”. Freelance là nghề dành cho những người yêu thích sự tự do, họ là những người có thể linh động về mặt thời gian. Những người làm freelance có thể làm 2-3 công việc tại nhiều công ty cùng lúc miễn là họ có thể hoàn thành tốt phần việc được giao.
Quay trở lại với công việc biên dịch, khi quyết định trở thành biên dịch viên tự do, đồng nghĩa với việc bạn sẽ được tự do về mặt thời gian. Và được thoải mái lựa chọn địa điểm làm việc, có thể làm tại nhà hoặc tới văn phòng,…
Thay đổi môi trường cũng như thời gian làm việc từ gò bó sang tự do, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với nhiều cám dỗ hơn từ bạn bè, các cuộc vui, tụ họp hoặc đơn giản bạn dành thời gian để lười biếng nhiều hơn là làm việc,…
Làm freelance có điểm hay nhưng cũng có điểm bất lợi chính là chúng ta chỉ cần buông thả bản thân vài ngày thôi, lượng công việc sẽ bị dồn đọng lại khiến chúng ta không kịp trở tay. Hay nói cách khác, “nước tới cổ rồi chúng ta cũng khó lòng mà bơi được.”
Chính vì thế, thay vì lối sống cú đêm rồi ngày hôm sau dậy muộn, chúng ta hãy cố gắng sắp xếp kế hoạch làm việc từ hôm trước. Chia đều lượng công việc sao cho hợp lý và dành thời gian để bản thân thả lỏng và nghỉ ngơi. Không phải làm việc trong môi trường gò bó có nghĩa chúng ta sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân, cập nhật các kiến thức có ích, tự làm mới bản thân mỗi ngày.
Trong thời gian đầu mới bước vào nghề biên dịch, các biên dịch viên tự do có thể đề ra trước một vài plan cho bản thân sau đó tự điều chỉnh plan mỗi ngày sao cho đáp ứng được công việc ở mức hiệu quả nhất.
Đặt mức thù lao tương xứng với trình độ của bản thân
Một trong những điều khó khăn nhất đối với những biên dịch viên tự do khi mới bước vào nghề chính là nên dựa vào đâu, điều kiện nào để có thể xác định chính xác mức thù lao mà bản thân nên nhận để vừa có thể trang trải cuộc sống nhưng cũng không khiến các khách hàng né tránh. Hãy suy nghĩ tới việc bạn có thể làm việc bao nhiêu tiếng một ngày và mức phí bạn muốn nhận ở mức bao nhiêu. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng trao đổi với đối tác nhiều hơn trong việc xác định mức phí dịch của bản thân.
Khi đã xác định sẽ theo ngành biên dịch, bạn cũng không nên đánh giá quá thấp năng lực của bản thân mà tính phí quá rẻ cho các bản dịch của mình. Nếu làm cộng tác viên của các công ty dịch thuật hay tự kết nối với khách hàng bên ngoài, họ vẫn sẽ sẵn sàng trả phí trong trường hợp bản dịch của chúng ta đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, nếu bạn đưa ra mức phí hợp lý cho bản dịch của mình thì cơ hội hợp tác trong những lần sau chắc chắn sẽ xảy ra.
Không ít biên dịch viên tự do đưa ra mức phí dựa vào mức thù lao chung trên thị trường. Điều này tuy không sai, nhưng sẽ thường xảy ra các trường hợp: mức phí sẽ cao hơn năng lực của biên dịch viên hoặc mức phí sẽ thấp hơn so với năng lực của biên dịch viên. Vậy nên hãy tham khảo những người làm trong ngành để có thể xác định chính xác mức thù lao tương xứng với năng lực của bản thân, bạn nhé!
Tìm cho mình một “chỗ đứng” trên thị trường
Có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường việc làm là điều ai cũng mong muốn. Và điều đó là hoàn toàn đúng khi áp dụng trong nghề dịch thuật. Trên thực tế, một biên dịch viên chuyên nghiệp sẽ thu hút được nhiều job khi trong tay họ sở hữu những kỹ năng cũng như tấm bằng có chuyên môn về dịch thuật các ngành như công nghệ thông tin, y-dược hay luật,…
Tuy nhiên không phải ai cũng có năng khiếu cũng như kinh nghiệm để theo đuổi thành công những lĩnh vực như vậy. Cho dù bạn là sinh viên và mục tiêu của bạn là trở thành biên dịch viên tự do ngay sau khi ra trường hay là người rẽ ngang sang ngành biên dịch, thì điều quan trọng nhất chính là hãy xác định lĩnh vực yêu thích của bản thân và nghiên cứu thật sâu, tích lũy thật nhiều kiến thức về chuyên ngành đó.
Ngoài ra làm cộng tác viên dịch thuật cho các công ty hoặc tự kiếm job trên các website cũng là những hình thức giúp chúng ta trau dồi kiến thức cũng như tích lũy thêm kinh nghiệm dịch cho bản thân. Và bạn cũng đừng quên bí kíp số 2 mà Apollo vừa đề cập bên trên nhé!
Không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ của bản thân
Khi dấn thân vào con đường làm biên dịch viên tự do, chắc hẳn sẽ không có ít người mải miết kiếm tìm khách hàng ngày này qua ngày khác và rơi vào vòng xoáy kiếm tiền mà quên mất rằng, bên cạnh việc kiếm tiền, chúng ta cũng cần phải nâng cấp kiến thức cho bản thân bằng việc tự học mỗi ngày.
Trong thế giới hiện nay, lượng thông tin mà con người cần cập nhật mỗi ngày luôn ở con số vô cùng lớn. Nhiệm vụ của chúng ta chính là chọn lọc những kiến thức có ích, đa dạng hóa vốn từ vựng cũng như cập nhật các xu hướng dịch thuật để bản dịch của chúng ta không bị lùi lại phía sau.
Bên cạnh việc tập trung đào sâu lĩnh vực dịch thuật mà bạn theo đuổi, sẽ rất tốt nếu như chúng ta có thể tìm hiểu thêm về các kiến thức mới mẻ về cuộc sống xung quanh. Điều đó cũng sẽ giúp chúng ta nâng điểm trong mắt khách hàng.
Ngoài các kiến thức chuyên ngành thì bản thân biên dịch viên cũng nên biết tới và sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ dịch thuật để có thể nâng cao năng suất và hiệu suất công việc.
Đảm bảo những bản dịch của mình đạt chất lượng tốt nhất
Khi mới bước vào nghề, chúng ta rất dễ nhận nhiều job biên dịch cùng lúc để có thể tối đa hóa về mặt tiền bạc cũng như thời gian. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu khi chưa làm quen với cường độ công việc cũng như không sắp xếp được thời gian biểu hợp lý, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng áp lực vì phải làm việc cho kịp tiến độ.
Như Apollo đã đề cập, biên dịch không phải là công việc dễ dàng và để hoàn thành một bản dịch đạt chất lượng cao cần đầu tư nhiều công sức hơn chúng ta nghĩ. Nếu chúng ta hoàn thành bản dịch một cách chóng vánh và vội vàng gửi cho khách hàng mà thiếu sự kiểm soát lại chất lượng thì khả năng bản dịch ấy sẽ bị trả lại và đánh dấu là không đạt chất lượng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tên tuổi thậm chí công sức chúng ta ngồi dịch sẽ trở thành công cốc.
Ngược lại, hãy cân nhắc kỹ lượng trong số lượng job bạn nhận. Chậm mà chắc. Hãy dịch những tài liệu ấy cẩn thận và kiểm soát kỹ càng cho dù là chi tiết nhỏ nhất. Bạn có thể đặt mình vào vị trí của khách hàng để tự đánh giá bản dịch của bản thân, liệu rằng văn phong dịch như vậy, sử dụng từ như vậy liệu đã ổn chưa,…
Xây dựng thương hiệu riêng cho bản thân
Đầu tư cho bản thân không bao giờ là thừa. Chẳng có một công ty, khách hàng nào lại muốn thuê một biên dịch viên không có tên tuổi cũng như kinh nghiệm sau khi đã theo nghề một khoảng thời gian dài. Chính vì thế hãy xác định thật rõ tập khách hàng mục tiêu của bạn và chịu khó quảng bá tên tuổi của bản thân. Có thể trong khoảng thời gian đầu sẽ chưa đem lại kết quả nhưng bạn không nên bỏ cuộc.
Có rất nhiều phương tiện xã hội chúng ta có thể sử dụng để giới thiệu lý lịch bản thân tới mọi người xung quanh như: Facebook, LinkedIn, About.me hay bạn có thể đăng tải hồ sơ của bản thân lên các trang mạng tìm việc như Upwork,… để khách hàng có thể bạn tìm dễ dàng hơn.
Xem thêm: Làm thế nào để trở thành một biên dịch viên chuyên nghiệp?
Thuận lợi và khó khăn khi lựa chọn trở thành biên dịch viên tự do
Thuận lợi
Lựa chọn làm biên dịch tự do đồng nghĩa với việc bạn sẽ trở thành chủ. Chủ ở đây chính là làm chủ bản thân, tức là công sức bạn bỏ ra bao nhiêu thì mức thù lao bạn sẽ nhận về từng ấy.
Nhiều người thường đùa rằng, chọn nghề freelance được tự do về mặt thời gian nhưng lại bấp bênh về khoản thu nhập. Và câu nói này cũng không phải là sai. Mức lương bạn deal ở mức bao nhiêu phần lớn sẽ dựa trên năng lực cũng như sự năng động trong công việc của chính bạn.
Nếu bạn không phải là tuýp người của văn phòng thì nghề freelance chính là dành cho bạn. Bạn sẽ không cần đi sớm để tới đúng giờ chấm công hay tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của nơi đây,…
Được tự do lựa chọn không gian làm việc miễn là bạn có thể hoàn thành tốt các bản dịch của mình.
Khó khăn
Áp lực trong công việc: Trong khoảng thời gian đầu, ai cũng sẽ phải trải qua giai đoạn chật vật tìm việc cũng như những áp lực khác: lượng deadlines dồn dập, khách hàng không hài lòng với bản dịch hoặc mức phí dịch thấp,…
Biên dịch viên tự do không đơn thuần chỉ là người có năng lực dịch thuật mà đi kèm với đó, bạn cũng cần có kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Có khá nhiều trường hợp bỏ lỡ job chỉ vì không tìm được tiếng nói chung hay không thương lượng được với khách hàng về mức phí dịch.
Lời kết
Qua bài viết, Dịch thuật Apollo hy vọng rằng các biên dịch viên tự do mới vào nghề sẽ tìm thấy được những thông tin bổ ích dành cho bản thân hay những người có ý định rẽ nang sang nghề biên dịch sẽ tìm hiểu và cân nhắc thật cẩn thận trước khi dấn thân vào nghề này.
Như Apollo đã đề cập, biên dịch nói riêng hay dịch thuật nói chung không phải là nghề đơn giản và dễ dàng mà ai cũng có thể làm được. Để có thể thành thạo và trở thành một người dịch giỏi, chúng ta sẽ phải đầu tư cho bản thân rất nhiều thời gian cũng như phải tích lũy kinh nghiệm thật dày dặn cho bản thân.
Apollo chúc bạn sẽ tìm được con đường phát triển đúng đắn trong sự nghiệp của bản thân!
Dịch thuật Apollo là một địa chỉ dịch thuật, dịch thuật công chứng uy tín, hàng đầu tại Hà Nội.
Khách hàng có nhu cầu có thể gửi tài liệu cần dịch thuật công chứng qua mail: dichthuatapollohanoi@gmail.com. Ngoài ra, quý khách hàng cũng có thể trực tiếp đem hồ sơ qua văn phòng dịch thuật công chứng của chúng tôi tại địa chỉ: SỐ 343 NGUYỄN TRÃI- THANH XUÂN- HÀ NỘI.
Hoặc liên hệ qua số hotline: 0989 58 6626 để được hỗ trợ nhanh và tận tình nhất.
Apollo rất hân hạnh tiếp đón!