“Làm thế nào để học ngoại ngữ hiệu quả?” Liệu đây có phải là thắc mắc của bạn khi đứng trước băn khoăn có nên học thêm một ngôn ngữ khác hay không? Học ngoại ngữ giống như việc chạy đường dài vậy. Rất có thể trước mắt bạn sẽ chẳng thể thấy vạch đích hay cảm thấy chùn chân và nản chí khi nghĩ về những khó khăn sẽ và đang phải đối mặt trước và trong quá trình chạy. Và với câu hỏi được đặt ra ở đầu bài, để tìm ra những nguyên tắc khi học ngoại ngữ, Dịch thuật Apollo sẽ trả lời ngay trong bài viết hôm nay!
Những nguyên tắc đơn giản để áp dụng khi học ngoại ngữ
Học đều đặn mỗi ngày
Sự kiên trì chính là kim chỉ nam dẫn lối chúng ta tới thành công, đồng thời nó cũng là chiếc chìa khóa mở cho chúng ta cánh cửa tiếp cận bất kì một ngôn ngữ nào. Việc thiết lập một thời gian biểu học nhồi nhét hay theo kiểu đứt quãng, nay học dồn 3-4 tiếng sau đó bỏ bê trong một khoảng thời gian dài không phải là một cách học ngoại ngữ thông minh và khoa học. Theo nghiên cứu, trong điều kiện không có sự ôn tập hay gợi nhớ, phần lớn thông tin mà con người học được sẽ biến mất chỉ sau một vài ngày không dùng tới chúng.
Thay vì việc học dồn, hãy chia nhỏ thời gian học và học đều đặn mỗi ngày. Bạn có thể học khoảng 15-20 phút hoặc nhiều hơn là 30 phút- 1 tiếng. Như vậy hiệu quả cũng như năng suất học tập sẽ được đẩy cao hơn.
Hãy biến việc học ngoại ngữ trở thành công việc, nhiệm vụ mà bạn nhất định phải làm mỗi ngày. Duy trì việc thực hiện nhiệm vụ đó tối thiểu 21 ngày để nó trở thành thói quen trong lối sống của bạn. Nếu được, hãy học ngoại ngữ vào buổi sáng bởi đây chính là thời điểm tốt nhất để học tập khi mà não bộ đã nghỉ ngơi đủ dài và có thể tập trung nhanh chóng.
Học trong môi trường yên tĩnh
Một khi đã ngồi vào bàn học, hãy tránh xa tất cả những yếu tố khiến tâm trí bạn xao nhãng như các thiết bị điện tử, trò chơi. Hạn chế việc kiểm tra thông báo của điện thoại hay quá sa đà vào việc ăn vặt nữa nhé!
Một điều tuy nhỏ nhưng không kém phần quan trọng chính là tư thế ngồi học. Tư thế ngồi gù lưng tuy sẽ khiến cơ thể cảm thấy dễ chịu trong khoảng thời gian đầu thế nhưng về mặt lâu dài, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đốt sống cổ cũng như cột sống của chúng ta. Vậy nên hãy ngồi thẳng lưng và giữ khoảng cách tối thiểu với máy tính hoặc sách vở để có thể bảo vệ cột sống và đôi mắt. Ngoài ra, hãy đảm bảo không gian học tập yên tĩnh và đừng quên thư giãn đầu óc sau một khoảng thời gian học tập bạn nhé!
Học theo cụm từ, không học từng từ đơn lẻ
Nếu bạn đã từng đọc qua phương pháp học tiếng Anh Effortless English thì sẽ cảm thấy khá quen thuộc bởi đây chính là một trong 7 nguyên tắc của phương pháp học trên. Và cũng có rất nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ cũng đề xuất rằng nên học theo cụm từ chứ không học theo từng từ riêng lẻ.
Điều này có nghĩa, thay vì học các từ đơn lẻ, thì bạn hãy học ngoại ngữ theo các cụm từ hoặc đặt thành câu hoàn chỉnh có chứa từ vựng cần học. Như vậy bạn vừa có thể học ngoại ngữ thông qua việc kết hợp giữa cấu trúc ngữ pháp và từ vựng của ngôn ngữ ấy. Tuy nhiên khi học ngoại ngữ theo nguyên tắc này, hãy xây dựng những câu có ý nghĩa, mang giá trị thực tế để có thể áp dụng luôn vào giao tiếp thực tế nữa nhé.
Không học nhiều tài liệu cùng lúc
Có một sự thật thú vị rằng rất nhiều người khi học ngoại ngữ rất thích sưu tập các bộ tài liệu mà họ vô tình bắt gặp hoặc được người khác giới thiệu, chưa học xong bộ này họ đã chuyển qua bộ khác hoặc học mỗi bộ tài liệu một chút. Điều này không khiến kiến thức họ nạp được phong phú hơn mà ngược lại họ sẽ chẳng thể nắm chắc được kiến thức mà mình đã học.
Số lượng tài liệu chưa phải là yếu tố quyết định chất lượng việc học ngoại ngữ mà điều quan trọng nằm ở việc bạn lựa chọn tài liệu hữu ích và phù hợp với trình độ của bản thân. Nếu bạn là người mới học ngoại ngữ, hãy tìm đến các loại tài liệu nền tảng, hướng dẫn các kiến thức sơ cấp về ngôn ngữ đó và phải đảm bảo học hết chỗ tài liệu đó rồi mới chuyển sang bộ tài liệu khác.
Không tập trung quá nhiều vào ngữ pháp
Việc học ngữ pháp không phải là quá trình đơn giản mà người học có thể thuộc lòng trong vài ba ngày. Thế nhưng khi học ngoại ngữ, nhất là những ngôn ngữ xa lạ với tiếng mẹ đẻ, thì việc học ngữ pháp không phải là tất cả. Việc ngồi học các cấu trúc, các động từ bất quy tắc ngày nay qua ngày khá cũng được chỉ ra rằng không phải là cách học hiệu quả.
Như đã đề cập bên trên, hãy học ngoại ngữ theo cụm từ, theo câu. Như vậy bạn vừa có thể học từ vựng, cách phát âm và cấu trúc hoàn chỉnh của nó.
Luyện nghe và học cách phát âm
Khi học từ vựng thì cùng với việc biết ngữ nghĩa và cách sử dụng của nó thì bạn cũng cần nắm chính xác cách phát âm của nó. Có khá nhiều cách để tra cứu phát âm của từ, bạn có thể tham khảo các nguồn video từ Youtube hoặc đơn giản nhất chính là tra cứu tại các từ điển điện tử chính thống như Cambridge, Oxford, Merriam-Webster,… bạn vừa có thể nghe cách họ phát âm, xem phiên âm và trọng âm.
Trong giai đoạn đầu luyện nghe, hãy tìm kiếm các nguồn nghe phát âm rõ ràng, dễ hiểu và tương ứng với trình độ bản thân. Hãy đảm bảo đôi tai của bạn nghe hiểu được 70-80% bài nghe đó. Và nghe đi nghe lại thật nhiều lần. Điều này sẽ giúp bạn phân biệt những từ riêng lẻ và ghi nhớ cách phát âm của chúng.
Xem thêm: 4 bước học tiếng Anh bằng phương pháp Shadowing
Đọc, đọc và đọc
Đọc là một trong những kỹ năng quan trọng trong việc học ngoại ngữ. Việc đọc giúp chúng ta mở mang đầu óc, tiếp thu thêm nhiều từ vựng, nhiều điều mới lạ về cuộc sống, phát triển vốn ngôn ngữ phong phú. Bạn có thể tìm kiếm các cuốn sách viết về chủ đề bản thân yêu thích hoặc đơn giản hơn là đọc các mẩu truyện ngắn viết về con người, cuộc sống xung quanh.
Cũng giống với việc nghe, kỹ năng đọc cũng được phân chia thành các cấp độ khác nhau. Hiện nay, không quá khó để tìm được các nguồn tài liệu đọc của các ngôn ngữ khác nhau. Việc đứng trước nguồn tài liệu phong phú như vậy rất dễ khiến người học cảm thấy mông lung. Chính vì thế, hãy lựa chọn thật kỹ các nguồn đọc phù hợp với trình độ của bản thân, sau đó khi trình độ đã cao hơn, bạn có thể tiếp cận các tờ báo nước ngoài hoặc các tiểu thuyết kinh điển của thế giới theo ngôn ngữ bạn đang theo học.
Tận dụng thời gian rảnh để thực hành
Nếu như đôi tai được sinh ra để nghe thì miệng chính là phương tiện để chúng ta thể hiện suy nghĩ ra bên ngoài. Nếu bạn không chịu mở miệng ra và nói thành tiếng thì bạn có học trăm ngàn từ vựng hay thuộc lòng rất nhiều cấu trúc ngữ pháp đi chăng nữa thì điều ấy cũng trở nên vô ích. Thực hành là điều kiện lý tưởng để bạn vận dụng những điều bạn đã được nghe, được nói và được đọc.
Khi học ngoại ngữ, đừng sợ sai và hãy nói thật nhiều. Chính tâm lý ngại ngùng khiến nhiều người cảm thấy không tự tin khi giao tiếp, nhất là trò chuyện với người bản xứ. Hãy ghi nhớ rằng sai đâu ta sửa đấy. Như vậy thì lần sau chúng ta sẽ nói đúng hơn.
Thực hành thực chất là nói. Chính vì thế, bất cứ khi nào bạn rảnh, hãy nói ra đôi ba câu. Bạn nói vu vơ cũng được, nói một mình cũng không sao hoặc nói với người đối diện thì càng tốt.
Duy trì động lực cho bản thân
Việc bạn bị mất động lực giữa chừng là điều không quá khó hiểu và hiếm gặp trong giới học ngoại ngữ. Ban đầu luôn là giai đoạn chúng ta nhiệt huyết nhất với việc học. Ta đặt ra rất nhiều mục tiêu cao cả và to lớn cho tương lai sau này. Thế nhưng động lực ấy thường chỉ duy trì trong giai đoạn khởi đầu và sẽ cạn dần trong thời gian sau đó. Vậy thì làm thế nào để duy trì được ngọn lửa khi học ngoại ngữ?
Theo hai nhà tâm lý học Deci và Ryan, động lực được chai thành hai dạng cơ bản: động lực nội tại và ngoại tại.
Động lực nội tại có thể hiểu là những yếu tố bên trong, được xây dựng dựa trên nguyên lý cơ bản rằng con người là những sinh vật chủ động với nhu cầu xây dựng sự tự chủ cao và bản năng tò mò rõ rệt. Trong việc học ngoại ngữ, động lực nội tại có thể được biểu hiện như sau:
– Bạn chủ động tham gia các hoạt động liên quan tới ngoại ngữ mà không cần bị thúc ép bởi bất kỳ ai hay bất kỳ phần thưởng nào. Bản thân việc được tiếp xúc với một ngôn ngữ mới đã đem lại cho bạn niềm vui mãnh liệt.
– Bạn sẽ kiên trì với những bài tập khó đến cùng mà không vì mục đích điểm số hay sợ thất bại.
– Bạn liên tục tìm kiếm cơ hội để trau dồi năng lực ngoại ngữ ở mọi hoàn cảnh mà không cần bằng cấp.
Động lực ngoại tại là các yếu tố bên ngoài khiến bạn bắt buộc phải học ngoại ngữ, có thể là điểm số, học bổng, du lịch khám phá, nhu cầu được chứng tỏ bản thân với người khác, hoặc sự ép buộc từ cha mẹ hay thầy cô.
Điều chúng ta cần làm chính là biết cách cân bằng hai nguồn động lực đó và không ngại đứng lên sau những lần vấp ngã.
Lời kết
Nhìn chung, học ngoại ngữ chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng. Bởi nó không phải là một đường thẳng mà ta có thể băng băng từ điểm xuất phát cho tới vạch đích mà không gặp chút trở ngại nào. Việc gặp khó khăn, các tác động từ bên ngoài hoặc tác động từ bên trong là điều hiển nhiên. Điều bạn cần và nên làm chính là ứng biến và xử lý thật tốt để luôn duy trì được niềm đam mê học tập của bản thân.
Dịch thuật Apollo hy vọng rằng đây sẽ là một bài viết hữu ích dành cho mọi người!
Công ty Dịch thuật Apollo là đơn vị dịch thuật đa ngôn ngữ, đa dịch vụ, cam kết về chất lượng, giá cả công khai.
Để liên hệ với Dịch thuật Apollo, quý khách hàng có thể liên hệ qua:
Gmail: dichthuatapollohanoi@gmail.com
Hotline: 0989 586 626
Địa chỉ: Số 343 Nguyễn Trãi-Thanh Xuân-Hà Nội.