Loading...

7 nguyên tắc học nói tiếng Anh bằng phương pháp Effortless English

Học nói tiếng Anh trong thời đại ngày nay rõ ràng đã trở nên dễ dàng hơn ngày trước rất nhiều. Người học có thể tìm thấy rất nhiều cách học tiếng Anh nói chung hay lộ trình học nói tiếng Anh nói riêng trên các website, fanpage, tới các trung tâm tiếng Anh hoặc tự học tại nhà. Tuy nhiên việc tìm cho bản thân một phương pháp học chân lý không phải là điều dễ dàng. Trong bài viết ngày hôm nay, Dịch thuật Apollo sẽ giới thiệu tới bạn đọc Effortless English– phương pháp học tiếng Anh đã được kiểm chứng hiệu quả từ học viên của hơn 54 quốc gia trên toàn thế giới!

phương pháp học nói tiếng Anh Effortless English

Phương pháp Effortless English là gì?

Nếu dịch theo đúng nghĩa đen, effortless có nghĩa là không cần nỗ lực, vậy thì Effortless English chẳng phải là học tiếng Anh một cách nhàn hạ, tốn ít công sức hay sao?

Trên thực tế, effortless đòi sự nỗ lực ở người học hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

Effortless English là hệ thống học tiếng Anh do tiến sĩ AJ.Hoge sáng lập sau nhiều năm giảng dạy tiếng Anh cho các sinh viên trên toàn thế giới. Phương pháp hướng tới việc khơi gợi đam mê, động lực, truyền cảm hứng cho các học viên học tiếng Anh, tạo cho họ tâm lý thoải mái cũng như không có tâm lý ép buộc khi học tiếng Anh.

Như ta thấy, trẻ em bắt chước và dần làm chủ một ngôn ngữ mới rất nhanh. Chúng không học từ vựng, cũng không học ngữ pháp trong sách giáo khoa hay tham gia bất cứ một khóa học nghiêm chỉnh nào. Và nguyên lý của phương pháp Effortless English chính là dựa trên cách học nói của trẻ em.

Vậy thì nguyên tắc khi học nói tiếng Anh của phương pháp này ra sao, sẽ được chia sẻ ngay dưới đây!

7 nguyên tắc học nói tiếng Anh của phương pháp Effortless English

Nguyên tắc 1: Học theo cụm từ, không học từng từ đơn lẻ

Theo cách học tiếng Anh truyền thống, chúng ta thường được tiếp cận cách học từ vựng đơn giản nhất là học thuộc các list từ vựng được in sẵn liên quan tới chủ đề bài học, kèm theo là cách phát âm cũng như nghĩa của các từ đó. Học từ vựng theo cách này có thể hiệu quả trong khoảng thời gian người học hay sử dụng tới các từ này.

Tuy nhiên cách học tiếng Anh truyền thống này cũng có nhược điểm chính là: người học sẽ quên đi từ vựng sau một khoảng thời gian không dùng cũng như họ sẽ không nắm được các cụm từ liên quan tới từ vựng do chỉ học thuộc từ đơn lẻ.

Tham khảo: 4 bí kíp học từ vựng tiếng Anh hiệu quả

Cụm từ là sự kết hợp của nhiều từ vựng và có ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên đâu là sự khác biệt giữa việc học cụm từ so với học các từ vựng đơn lẻ?

Ví dụ về cụm từ: Bring it to me!; I believe in you!; Take care of yourself!; She doesn’t like me;…

Một ví dụ khác về cụm từ: các động từ như go, take, bring, get,… là những từ có nghĩa khi đứng một mình và khi kết hợp với các giới từ khác nhau, chúng cũng sẽ đem lại những ý nghĩa khác nhau. Như go in: đi vào, go out: ra ngoài, bring in: thu được, kiếm được, bring up: nuôi nấng,…

Học tiếng Anh theo cụm từ có ưu điểm giúp bộ não của chúng ta nhớ nhanh hơn, lâu hơn về cách dùng, ý nghĩa. Học theo cụm từ cũng là cách giúp chúng ta ghi nhớ về phát âm cũng như cấu trúc ngữ pháp. Giúp chúng ta thoát khỏi cảnh bối rối khi không biết động từ này kết hợp với từ nào để phù hợp với nghĩa chung của câu. Học theo cụm từ là cách học ngữ pháp trực quan và tự nhiên, tránh việc nhồi nhét các kiến thức khô khan.

Việc nắm chắc được càng nhiều cụm từ, chúng ta sẽ càng tự tin và thành thạo trong việc giao tiếp với người khác. Ta có thể nói chuyện một cách tự nhiên với người bản xứ mà không phải chần chừ khi ghép từng từ một trong đầu. Thêm một điểm nữa, người bản xứ rất hay sử dụng các cụm từ khi giao tiếp, chính vì thế khi nghe họ nói, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy phát âm của họ sẽ không giống so với nói từng từ.

Ngoài việc học nói tiếng Anh theo cụm từ, người học cũng cần rèn luyện các quy tắc về nối âm, nuốt âm vì khi giao tiếp, người nước ngoài thường nói với tốc độ nhanh do họ quen với việc nối âm, nuốt âm khi nói chuyện. Đây chính là lý do khi nhiều người cảm thấy rằng mặc dù hiểu được người bản xứ nói gì nhưng cách họ phát âm nghe không quen tai chút nào.

Không ít người khi học nói tiếng Anh, trong đầu họ sẽ chọn từng từ một khiến cho câu nói không được liền mạch vì hay bị ngắt quãng. Điều này khiến cho cuộc trò chuyện trở nên gượng gạo vì người đối diện sẽ phải cố gắng lắng nghe xem chúng ta nói gì. Về mặt lâu dài, chúng ta sẽ mất dần đi sự tự tin trong giao tiếp.

Chính vì thế, để có thể tận dụng mọi cơ hội học nói tiếng Anh, hãy luôn mang theo bên mình cuốn sổ nhỏ để ghi chú những cụm từ bản thân chưa gặp bao giờ hoặc cố gắng đọc sách, đọc các bản tin. Kiên trì học như vậy, vốn cụm từ của chúng ta sẽ được tăng lên đáng kể.

học nói tiếng Anh theo cụm từ

Nguyên tắc 2: Không học ngữ pháp

Chúng ta được tiếp cận với ngữ pháp tiếng Anh từ những năm học cấp 1, cấp 2. Nếu từ vựng được coi là những viên gạch, thì ngữ pháp chính là thứ gắn kết những viên gạch ấy để xây dựng lên những bức tường kiến thức vững chắc. Tuy nhiên, tại sao phương pháp Effortless English lại chỉ điểm rằng chúng ta không nên học ngữ pháp?

Xét trên góc độ thực tế, ngữ pháp là các cấu trúc câu, đó có thể là các thì, câu điều kiện, so sánh,… mà người nước ngoài thường giao tiếp với nhau. Thế nhưng chúng ta chỉ được học các kiến thức thô, học trong một khoảng thời gian rất dài mà vô tình quên đi các kỹ năng quan trọng khác như nghe và nói.

Ngữ pháp có thể chúng ta nắm rất chắc, làm bài tập phần nào cũng đúng. Nhưng khi vận dụng vào thực hành, không ít người lại trở nên luống cuống và ngập ngừng. Đó chính là lý do tại sao rất nhiều người giỏi ngữ pháp nhưng lại thiếu tự tin trong khoản nói và giao tiếp.

Viết và nói là 2 kỹ năng hoàn toàn tách biệt. Bạn nắm chắc lý thuyết, điều đó rất có lợi đối với kỹ năng viết vì khi viết chúng ta sẽ có thời gian suy nghĩ cũng như sắp xếp được trật tự từ trong câu sao cho đúng. Nhưng kỹ năng nói thì không phải vậy, hầu như chúng ta sẽ phải phản hồi lại đối phương gần như là lập tức.( Giống như người Việt chúng ta nói chuyện với nhau, nghe-hiểu và đối thoại qua lại liên tục.)

Việc nắm chắc các cấu trúc ngữ pháp trong vài trường hợp lại là điều gây bất lợi cho chúng ta. Bởi trong tiềm thức, bộ não sẽ suy nghĩ rất nhiều về việc nên dùng thì hiện tại hay quá khứ, động từ này đi với giới từ nào mới chính xác hay câu đối phương vừa nói mình dịch có chính xác không,… cùng vô vàn những dấu chấm hỏi khác trong đầu?

Trong thực tế không thiếu những người nói chuyện thành thạo với người nước ngoài mặc dù họ không quá nắm chắc các kiến thức về ngữ pháp. Có thể thấy rằng, càng thu nạp nhiều ngữ pháp, chúng ta càng khó trong việc giao tiếp nếu không thực hành thường xuyên mà chỉ chăm chăm vào lý thuyết.

Tiếng Anh giao tiếp thực tế rất khác với tiếng Anh sách vở. Đại đa số các cuộc hội thoại mà chúng ta được học ở trường là những câu với đầy đủ cấu trúc ngữ pháp còn tiếng Anh giao tiếp thường bị khuyết thành phần câu. Và đương nhiên khi chúng ta giao tiếp chỉ cần nói đúng trọng tâm thì người bản xứ vẫn sẽ hiểu chúng ta đang diễn tả điều gì.

Có một điều cần lưu ý ở đây: Nguyên tắc 2 này chỉ ra rằng không nên học ngữ pháp. Tuy nhiên phương pháp Effortless English không hề phủ nhận tầm quan trọng của ngữ pháp mà mục đích chính của nguyên tắc này chính là chúng ta không nên học ngữ pháp theo con đường cũ, chỉ nắm chắc lý thuyết chứ không vận dụng vào thực hành.

Điều người học cần và nên làm chính là học ngữ pháp theo cách trực quan hơn, vận dụng nhiều hơn vào đời sống. Về cơ bản, việc học theo các cụm từ ở nguyên tắc 1 đã phần nào giúp chúng ta tiếp cận được các cấu trúc ngữ pháp. Tạm gác lại việc học chay thông qua sách vở, chúng ta hãy sử dụng đôi tai để lắng nghe nhiều hơn, quan sát nhiều hơn và giao tiếp nhiều hơn.

học nói tiếng Anh nhưng không học ngữ pháp

Nguyên tắc 3: Học bằng tai, không học bằng mắt

Có thể cho rằng nghe chính là cách tiếp cận đầu tiên chúng ta được học khi đến với thế giới này. Ngay từ khi sinh ra, chúng ta nhận thức được sự tồn tại của thế giới thông qua đôi tai. Và nghe cũng chính là bước đầu tiên để con người tiếp cận được ngôn ngữ. Việc học một ngôn ngữ mới không quá khác so với việc một đứa trẻ tập nói. Điều đầu tiên chúng làm chính là lắng nghe âm thanh của ông bà, cha mẹ hay những người thân xung quanh. Và khi đến một độ tuổi nhất định, chúng sẽ bập bẹ những tiếng nói đầu tiên.

Theo nghiên cứu của James Crawford, khả năng nói và thành thạo tiếng Anh phụ thuộc chủ yếu vào khả năng nghe. Nói theo cách khác, nghe chính là tiền đề để phát triển khả năng nói.

Việc học bằng tai sẽ tốt hơn so với việc học bằng mắt. Điều này rất dễ có thể nhận thấy thông qua việc chúng ta nghe một bài nhạc yêu thích bằng tiếng Anh so với việc đọc lời bài hát mà không có bất cứ giai điệu nào vang lên. Việc học bằng tai không chỉ giúp bộ não thu được nhiều từ vựng mà nó còn giúp chúng ta học được cách phát âm, ngữ pháp hay những cách dùng từ hay ho khác.

học nói tiếng Anh bằng tai

Nguyên tắc 4: Học thật sâu, lặp đi lặp lại nhiều lần

Việc học lướt, đi qua các kiến thức bài vở quá nhanh rất dễ khiến người học chưa kịp nhớ kiến thức của bài cũ thì đã phải chuyển sang bài mới. Việc học và nhồi nhét quá nhiều từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp trong một lần học sẽ dễ dẫn tới tình trạng quá tải, khiến học sinh cảm thấy căng thẳng và sợ hãi môn học.

Khi áp dụng nguyên tắc 4: Áp dụng nguyên tắc Học thật sâu vào lộ trình học của mình, người học sẽ được học lặp lại nhiều lần cho tới khi bộ não của họ tự động ghi nhớ cách sử dụng cũng như phản xạ được ngay lập tức.

Điều chúng ta cần làm không phải là ghi nhớ mà là chúng ta phải thật sự hiểu cụm từ mà bản thân đang học. Với Effortless English, mỗi bài học chúng ta nên học ít nhất trong vòng 7 ngày, tức là phải lặp đi lặp lại bài học ấy cho tới khi bộ não ghi nhớ sâu sắc kiến thức. Ví dụ, bạn đọc được một câu chuyện thú vị, bạn cần phải nghiền ngẫm, tìm hiểu và ghi nhớ thật kỹ nội dung của câu chuyện ấy, sau đó kể lại với giọng văn của bản thân mà nội dung không đổi.

Không ít người sẽ cảm thấy khó chịu với cách học sâu. Bởi đây là cách học đi học lại một bài học, kiến thức. Việc đọc một thứ quá nhiều lần sẽ khiến chúng ta sinh ra cảm giác chán nản và dễ ngó lơ. Tuy nhiên việc nhồi nhét quá nhiều kiến thức trong cùng một thời điểm cũng không phải cách học đúng đắn, nó chỉ khiến chúng ta trở nên bối rối và dễ mắc lỗi hơn thôi.

Vậy bí quyết ở đây là gì? Đó là chúng ta cần học và dừng đúng lúc. Nếu bộ não ra hiệu rằng kiến thức này bạn đã tiếp thu đủ và thực sự nắm chắc nó, hãy chuyển sang bài học tiếp theo và nhớ ôn tập bài cũ đều đặn nhé. Điều này sẽ giúp cho bộ não không quá bị áp lực mà hiệu quả học tập cũng được nâng cao.

học thật sâu, lặp đi lặp đi

Nguyên tắc 5: Học ngữ pháp một cách trực quan và tự nhiên

Có thể bạn sẽ nghĩ, không phải ở nguyên tắc 2 đã nói về việc học tiếng Anh không nên động tới ngữ pháp rồi sao? Chẳng phải nguyên tắc 2 và 5 có chút mâu thuẫn với nhau ư? Thế nhưng ngữ pháp của bài vở và ngữ pháp trực quan sẽ có điểm khác biệt.

Chúng ta có thể thay đổi khung thời gian và thay đổi ngữ pháp để tạo ra các phiên bản khác nhau của từng câu chuyện. Nói cách khác, chúng ta đọc và nghe nhiều phiên bản khác nhau của cùng một câu chuyện, đó có thể là câu chuyện diễn tả một sự việc trong quá khứ, hiện tại hoặc ở trong tương lai. Học như vậy, tự bản thân chúng ta sẽ khám phá ra và tự động ghi nhớ các kiến thức ngữ pháp mà không cần nghĩ quá nhiều về thì hay các động từ trong câu.

Điểm thú vị của cách học này ở chỗ, mỗi câu chuyện được nhìn từ quan điểm, thời điểm khác nhau sẽ tạo ra các phiên bản chứa các cấu trúc ngữ pháp khác nhau. Đó có thể từ động từ được chia ở thì quá khứ, hiện tại hoặc ở dạng tương lai. Với nguyên tắc 5 của Effortless English, bạn sẽ được tiếp thu ngữ pháp tiếng Anh một cách tự nhiên.

Đơn giản, bạn chỉ cần lắng nghe, hiểu nghĩa câu chuyện và như vậy, ngữ pháp sẽ tự động ghi nhớ vào trong tiềm thức. Ngữ pháp được dùng để miêu tả câu chuyện cũng là những cấu trúc đơn giản, quen thuộc và phổ biến mà người bản ngữ thường dùng trong giao tiếp. Chính vì thế bạn không cần lo lắng về việc mình sẽ phải đối mặt và ghi nhớ những cấu trúc quá phức tạp.

học ngữ pháp trực quan

Nguyên tắc 6: Học tiếng Anh qua các tài liệu thực tế, không học tiếng Anh máy móc

Theo cách học truyền thống, sách giáo khoa chính là cuốn sách mà mỗi học sinh cần chinh phục. Đặc biệt với bộ môn tiếng Anh, không quá khó để chúng ta có thể tìm thấy những quyển sách dày đặc ngữ pháp, từ trang đầu tới trang cuối. Việc học và làm nhuần nhuyễn những cuốn ngữ pháp đó dường như dần trở thành thói quen trong cách học tiếng Anh của nhiều bạn. Tuy nhiên như đã nói, tiếng Anh thực tế thường sẽ rất khác so với tiếng Anh bài vở.

Tiếng Anh trong sách thường chú trọng hơn tới các đoạn hội thoại mang phong cách lịch sự, cứng nhắc, ít gặp trong thực tế. Trong khi đó, trên thực tế người bản ngữ sẽ thường sử dụng nhiều các cụm từ, slang words( tiếng lóng), thành ngữ,… mà những điều này thì thường ít được nhắc đến khi chúng ta học trên trường.

Không khí giao tiếp với người nước ngoài thường khá thoải mái, và cách họ phát âm cũng sẽ khác so với những gì chúng ta được học. Họ thường nối âm, nuốt âm hoặc nhấn nhá để có thể diễn tả rõ ý của câu nói. Đó chính là lý do tại sao mặc dù học tiếng Anh lâu năm, nhưng nhiều người vẫn gặp khó khăn khi phải giao tiếp với người nước ngoài.

Không quá khó để ta có thể tự tìm kiếm và xây dựng tài liệu học cho bản thân. Gác lại những cuốn sách dày đặc ngữ pháp qua một bên mà thay vào đó là sử dụng các tài liệu thực tế. Thực chất, tài liệu thực tế dễ kiếm hơn chúng ta nghĩ, đó có thể là sách, báo, tạp chí, podcast, chương trình thực tế hay các bộ phim nước ngoài,… Hãy lựa chọn những chủ đề mà bạn thích và ưu tiên những loại có trình độ phù hợp với bản thân.

Tham khảo: Học tiếng Anh bằng phương pháp Shadowing

học nói tiếng Anh qua các tài liệu thực tế

Nguyên tắc 7: Học tiếng Anh với những câu chuyện hấp dẫn

Mục đích của Effortless English là giúp bạn nói và hiểu tiếng Anh một cách nhanh chóng, chính xác và tự động. Thông qua nguyên tắc số 7 này, chúng ta sẽ được tìm hiểu thế nào để có thể tự động phản xạ tiếng Anh qua việc sử dụng các câu chuyện hỏi và trả lời.

Sự tự động của Effortless English xuất phát từ tư duy trong tiếng Anh. Nói cách khác, khi chúng ta tự tư duy, bộ não sẽ không cần hoạt động theo quy trình: dịch-nghĩ- sắp xếp từ- phản hồi lại câu hỏi mà sẽ phản xạ hồi lại luôn câu hỏi đó. Để nâng cao khả năng phản xạ, chúng ta nên nghe, hiểu và luyện tập trả lời câu hỏi của người nói chứ không phải là nghe và lặp lại máy móc.

Câu chuyện là công cụ giúp việc học nói tiếng Anh trở nên thú vị hơn. Bởi thông qua chúng, ta sẽ có thể cảm nhận được các sắc thái biểu đạt và cảm xúc khác nhau. Thay đổi cảm xúc cũng là cách khiến bộ não có ấn tượng và ghi nhớ lâu hơn. Kể chuyện là hình thức không quá khó gặp, bởi đa phần các cuốn sách nổi tiếng đều được tác giả truyền tải thông điệp qua câu chuyện của chính bản thân họ. Câu chuyện đó có thể do chính họ trải nghiệm, được chứng kiến hoặc được nghe kể lại từ bên thứ 3.

Với Effortless English, cạnh việc được đọc các câu chuyện khác nhau, bạn sẽ phải trả lời các câu hỏi. Các câu hỏi này sẽ giúp bạn rèn luyện khả năng hiểu và phản hồi nhanh hơn. Điều này yêu cầu bộ não phải nhanh chóng hiểu và trả lời tức thì. Chính vì thế khả năng nghe hiểu và phản xạ sẽ được rèn luyện. Tới một trình độ nhất định, bạn sẽ đạt được tới kĩ năng nói nhanh và tự động mà không cần nghĩ tới “mình chọn từ này có đúng không?”.

Tham khảo: 6 bước để cải thiện việc học tiếng Anh

học nói tiếng Anh với những câu chuyện hấp dẫn

Lời kết

Apollo hy vọng bài viết ngày hôm nay đã cung cấp tới bạn những kiến thức thú vị về phương pháp học tiếng Anh Effortless English cùng với 7 nguyên tắc khi áp dụng phương pháp này vào lộ trình học nói tiếng Anh của bản thân.

Apollo chúc bạn sẽ áp dụng thành công!

Bạn cần hỗ trợ?