Loading...

6 sai lầm phổ biến khi học tiếng Anh mà người học cần né

Học tiếng Anh từ lâu đã trở thành điều quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh. Rất nhiều bậc phụ huynh đã cho con em mình tiếp xúc với tiếng Anh từ rất sớm, các bé 2-3 tuổi đã được học tiếng Anh, làm quen với bảng chứ cái Aphalbet hay học nói từ vựng thông qua hình ảnh, học đếm số,… Tuy nhiên, nếu không giữ được niềm đam mê với việc học tiếng Anh thì việc nhanh chóng quên các kiến thức sẽ là điều sớm muộn. Trong bài viết ngày hôm nay, Apollo sẽ chỉ ra đâu là những sai lầm mà nhiều người hay mắc phải trong quá trình học tiếng Anh của bản thân!

sai lầm phổ biến khi học tiếng Anh

Cái nhìn chung về tiếng Anh

Tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ được nói phổ biến nhất trên toàn thế giới. Việc sử dụng thành thạo tiếng Anh cũng là yếu tố giúp chúng ta mở ra những cơ hội mới về việc làm hay đem lại những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống. Nhìn chung, tiếng Anh không phải là một ngôn ngữ khó tiếp cận cũng như không quá khó học. Chúng ta có thể tự học tiếng Anh tại nhà, đăng kí các khóa học ở trung tâm, tự luyện các kỹ năng như nghe, nói, đọc, viết, học tập trung vào các mục tiêu cá nhân đã đề ra.

Thế nhưng, có khá nhiều trường hợp cố gắng cày cuốc tiếng Anh trong một thời gian dài, trình độ tiếng Anh của họ cũng chẳng thể bật lên được. Vậy nguyên nhân là do đâu sẽ được tiết lộ ngay phần dưới đây!

6 sai lầm phổ biến mà người học tiếng Anh thường mắc phải

Không tìm được hứng thú trong quá trình học

Không chỉ riêng tiếng Anh, mà việc không tìm thấy cảm hứng trong các môn học khác hay không tạo được niềm vui trong học tập là tình trạng khá phổ biển trong thế giới học tập ngày nay. Khi không tìm được cho bản thân một phương pháp học tiếng Anh đúng đắn, hay cứ học theo các phương pháp học tập truyền thống, thì việc cảm thấy buồn chán và mau nản là điều rất dễ hiểu.

Thông thường trong các chương trình học ngày nay, học sinh sẽ được tiếp cận tiếng Anh khi học tiểu học, thế nhưng tùy vào những yếu tố khác nhau như chương trình dạy, giáo trình dạy hay phương pháp dạy của thầy cô, cảm nhận về việc học tiếng Anh của các bạn học sinh cũng sẽ khác nhau. Có bạn sẽ cảm thấy hứng thú, có bạn sẽ cảm thấy hơi e sợ và có những bạn sẽ thấy hơi ghét môn học này. Tâm lý này sẽ ăn sâu vào tâm trí cho tới khi mọi người trưởng thành hơn cũng như hiểu được mình có nên thay đổi phương pháp học tiếng Anh hay không.

Nếu bạn là người không tìm được cảm hứng trong việc học tiếng Anh, hãy thử xác định lại mục đích học tiếng Anh của mình là gì và cũng xác định lại luôn phương pháp học tập của chính mình. Giả dụ, nếu bạn muốn khả năng giao tiếp của mình được trôi chảy hơn, hãy tìm đến các phương pháp học nói, học cách phát âm, nuốt âm hay bắt chước ngữ điệu của người bản xứ thông qua việc xem phim, nghe các bài hát hoặc xem các bản tin, chương trình thực tế của nước ngoài,…

không tìm được hứng thú khi học tiếng Anh

Xem thêm: 4 bước học tiếng Anh bằng phương pháp Shadowing.

Tâm lý “sợ mắc lỗi” khi học tiếng Anh giao tiếp

Sợ nói sai hay sợ bị người khác đánh giá là tâm lý thường thấy ở nhiều người học tiếng Anh, và nếu đã ngại nói, ngại giao tiếp thì trình độ tiếng Anh của chúng ta sẽ chẳng thể nào tiến bộ lên được. Việc nói sai hay mắc sai lầm khi học một ngôn ngữ mới là điều khó tránh khỏi kể cả những người bản ngữ cũng vậy. Người Việt học tiếng Anh cũng giống như người Anh, người Mỹ học tiếng Việt vậy. Mỗi ngôn ngữ đều có cái khó riêng và việc mắc lỗi sai khi nói là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Điều chúng ta cần làm để có thể nâng cao trình độ giao tiếp chính là nói thật nhiều, thực hành thật nhiều và biết rút kinh nghiệm từ những lỗi sai đó. Đồng thời hãy gạt bỏ dần lối suy nghĩ dịch từng từ từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh, bởi điều ấy sẽ làm phản xạ nói của chúng ta chậm đi, khiến đối phương mất thời gian chờ đợi câu tả lời của chúng ta. Nếu bạn chưa tự tin trong việc giao tiếp với người nước ngoài, hãy tập nói chuyện trước gương, nói chuyện với bản thân hoặc ghi âm lại giọng nói của chính mình để có thể biết mình sai ở đâu.

Việc rèn luyện khả năng nói tiếng Anh đòi hỏi sự kiên trì trong thời gian dài. Chính vì thế chúng ta cần gạt bỏ dần đi sự xấu hổ, tin tưởng hơn vào bản thân. Như vậy, chúng ta mới có thể thấy được mình tiến bộ lên từng ngày.

tâm lý sợ mắc lỗi khi giao tiếp

Học càng nhiều từ vựng càng tốt

Không có một con số cụ thể nào trả lời được cho câu hỏi “Có tất cả bao nhiêu từ vựng tiếng Anh?”. Mọi con số đều chỉ thể hiện sự tương đối và mang tính tạm thời. Theo từ điển quốc tế phiên bản năm 1993 của Webster, tiếng Anh có khoảng 475.000 từ vựng, chưa kể các biến thể và sự sáng tạo thêm các từ mới mỗi ngày. Tuy nhiên người học tiếng Anh chỉ cần nắm rõ một số lượng từ nhất định, tùy theo mục đích học của từng người mà vốn từ có thể khác nhau.

Nhiều người cho rằng càng biết nhiều từ vựng, càng sử dụng các từ hoa mỹ thì càng khiến chứng minh được trình độ tiếng Anh của bản thân cao tới đâu. Thế nhưng việc học thuộc một list dài các từ vựng không phải là một điều dễ dàng, và có những từ chưa chắc chúng ta đã thực sự cần tới. Đừng mải mê tìm kiếm những list từ vựng được đăng tải trên các website hay trong các cuốn sách không nằm trong phạm vi học của bạn.

Việc biết nhiều từ vựng tiếng Anh ở một khía cạnh nào đó sẽ giúp chúng ta mở rộng được vốn kiến thức nhưng nếu nó không phục vụ cho mục đích học tập cũng như công việc của chúng ta, hay nói cách khác, chúng ta không dùng tới vốn từ vựng ấy thì việc đầu tư thời gian, công sức cũng sẽ trở nên vô ích.

Hơn nữa, đừng cố nhồi nhét quá nhiều từ vựng trong mỗi buổi học. Làm như vậy vô hình sẽ tạo áp lực lên bộ não của chúng ta. Hãy chia nhỏ số từ cần học trong một ngày thành nhiều thời điểm khác nhau. Có thể học thuộc 5-10 từ một lúc hoặc dành khoảng 15-20 phút rảnh rỗi để học từ mới,… hoặc bạn cũng có thể chia theo cách học của riêng mình.

học càng nhiều từ vựng tiếng Anh càng tốt

Xem thêm: 4 bí kíp học từ vựng tiếng Anh hiệu quả

Học ngữ pháp một cách máy móc

Việc học ngữ pháp là không sai, thậm chí nắm chắc ngữ pháp, cách dùng từ và cấu trúc câu sẽ giúp ích cho các kỹ năng như đọc và viết. Thế nhưng việc quá nắm chắc ngữ pháp cũng là điểm gây bất lợi khi nói tiếng Anh của nhiều người.

Lý giải tại sao lại xảy ra điều ấy chính là các cuộc trò chuyện, giao tiếp thường diễn ra rất nhanh và liên tục, tính chất này đòi hỏi 2 bên phải có sự tương tác qua lại liên tục. Chính vì thế nếu một bên cứ nói mà bên còn lại mải mê suy nghĩ về ngữ pháp để có thể nói ra câu chuẩn cấu trúc nhất thì chắc hẳn cuộc trò chuyện sẽ rất nhanh chóng kết thúc và không đạt được kết quả như mong đợi.

Ngữ pháp mà người học được tiếp xúc thông qua các chương trình học trên trường hay trong các cuốn giáo trình tự học thường là văn phong trang trọng, lịch sự, thường được dùng nhiều trong văn viết mà ít khi được áp dụng trong văn nói. Người học có thể học tiếng Anh thông qua các bộ phim, các kênh tin tức hoặc đọc sách, tạp chí nước ngoài. Điều này không chỉ giúp chúng ta nâng cao vốn từ vựng, mà chúng ta cũng sẽ được học cách dùng từ, cụm từ hay các cấu trúc câu mà người bản ngữ hay sử dụng trong cuộc sống thường ngày.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo phương pháp Effortless English tại đây!

học ngữ pháp máy móc

Học cấp tốc, chỉ phục vụ mục đích thi

Học cấp tốc hay cách gọi khác là học dồn là “phương pháp học” không quá xa lạ đối với nhiều người hiện nay. Ngay từ tên gọi chúng ta đã có thể hình dung ra cách học này diễn ra như thế nào. Học cấp tốc là hình thức học dồn nhiều kiến thức trong một khoảng thời gian ngắn, hoặc cũng có thể là cận kề những ngày sắp thi.

Học cấp tốc cũng có mặt lợi đó là đòi hỏi sự tập trung cao độ của người học. Thế nhưng điểm bất lợi của cách học này chính là bộ não chỉ có thể ghi nhớ kiến thức trong thời gian ngắn hoặc hạn chế trong việc thu nạp kiến thức. Như mọi người thấy, tiếng Anh là một ngôn ngữ có lượng kiến thức khổng lồ và không thể chỉ học trong vài ngày là xong. Học tiếng Anh nói riêng cũng như học các môn khác nói chung cần đầu tư nhiều thời gian và công sức nếu chúng ta thật sự muốn hiểu sâu và nắm rõ về chúng.

Nếu học tiếng Anh chỉ cần lướt qua là đã thuộc thì sẽ có 2 trường hợp xảy ra: 1 là bạn đã học kiến thức này trước đó và 2 là chắc hẳn bạn sẽ quên ngay sau đó. Việc học cấp tốc chỉ đem lại cho người học kết quả tạm thời, chứ không đảm bảo cho chúng ta kết quả về mặt lâu dài. Vậy nên, để có thể vận dụng được tối đa năng suất của bộ não, hãy lên kế hoạch học tập thật hợp lý. Chúng ta có thể tìm bạn đồng hành, tìm thầy dạy hoặc trở thành người thầy của chính bản thân mình.

học cấp tốc, học chỉ để thi

Đặt mục tiêu học ngoài tầm với

Việc đặt mục tiêu học ngoài tầm với không phải là trường hợp hiếm gặp. Điều này thường xảy ra khi bản thân của chúng ta đang cảm thấy quá hưng phấn hay được kích thích về mặt tinh thần, khiến cho chúng ta có cảm giác phải bắt tay vào việc học tiếng Anh ngay tập lức. Chúng ta thường đề ra những mục tiêu to lớn như “Giao tiếp thành thạo như người bản xứ chỉ sau 1 tháng”, hay “Đạt 800+ Toeic sau 3 tháng ôn luyện”.

Bạn hãy hiểu rằng nói và hành động là 2 điều hoàn toàn khác nhau, và hành động thực tế khó hơn việc nói ra gấp trăm lần. Việc đặt tham vọng vào các mục tiêu là không sai nhưng hãy xác định thật rõ trình độ của bản thân đang ở mức nào, như vậy chúng ta mới có thể chia nhỏ kế hoạch học tập cũng như khiến bản thân không cảm thấy nản nếu như không đạt được như đúng mục tiêu đề ra.

Học tiếng Anh không phải là điều dễ dàng. Không ít người thường mang tâm lý rằng tiếng Anh không phải là ngôn ngữ dành cho mình hay mình chẳng thể nào ngấm được các kiến thức tiếng Anh. Chính lối tư duy đó khiến họ mãi dè chừng việc học tiếng Anh.

Tiếng Anh hiện nay đã trở thành ngôn ngữ phổ biến trên toàn thế giới và đây cũng không phải là thứ tiếng quá khó học như nhiều người lầm tưởng. Chính vì thế hãy thay đổi cái nhìn về tiếng Anh nếu bạn đang cảm thấy dè chừng nó. Và biết đâu, việc biết thêm một ngôn ngữ mới sẽ là mở ra cho chúng ta cơ hội về việc làm cũng như những khía cạnh khác trong cuộc sống.

đặt mục tiêu ngoài tầm với

Đọc thêm: 6 tips nâng cao tập trung khi học tiếng Anh mà bạn nên thử.

Lời kết

Việc học tiếng Anh giống như chạy sức bền chứ không phải chạy nước rút. Chính vì thế điều chúng ta cần và nên làm chính là kiên trì, tin tưởng vào bản thân và tìm ra phương pháp học tập phù hợp với bản thân.

Apollo hy vọng rằng đây sẽ là một bài viết hữu ích dành cho mọi người, giúp mọi người biết được những sai lầm phổ biến khi học tiếng Anh nhất là những người đang đau đầu vì việc học tiếng Anh nhưng mãi chẳng thể cải thiện trình độ của bản thân.

Hy vọng mọi người sẽ đón chờ những bài viết sắp tới của Dịch thuật Apollo!

Bạn cần hỗ trợ?